Khi mắc bệnh bên cạnh việc dùng thuốc để điều trị thì việc bổ dung dinh dưỡng, xây dựng chế độ ăn hợp lý là điều vô cùng cần thiết.
Chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh tim bẩm sinh rất quan trọng
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Bác sĩ giảng viên tại Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn để cùng tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng đối với bệnh tim bẩm sinh, suy hô hấp và suy thận.
Biết bệnh nhân bị tim bẩm sinh, suy tim cần có chế độ ăn như thế nào?
Công việc cần làm: Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân. Tính nhu cầu dinh dưỡng phù hợp theo lứa tuổi và bệnh lý. Đánh giá khả năng ăn uống bằng đường miệng. Chọn phương pháp nuôi ăn. Chỉ định chế độ ăn.
Nhu cầu các chất dinh dưỡng
Thể tích nước: bằng nhu cầu sinh lý; nếu có suy tim giới hạn nước bằng 80% nhu cầu sinh lý.
Năng lượng = nhu cầu theo lứa tuổi.
Tỉ lệ P: L: CH = 15%: 30%: 55%.
Muối: nêm nếm nhạt hoặc không nêm (nếu có suy tim hoặc phù).
Chế độ ăn
Phù hợp theo lứa tuổi với những thực phẩm bình thường như các loại sữa, bột, cháo, cơm... Chia nhỏ bữa ăn: 6-8 lần/ngày, tránh mệt mỏi sau bữa ăn. Các loại thức ăn dùng cho bệnh nhân tim nên là những thức ăn có đậm độ năng lượng cao ≥ 1 Kcal/1ml với các thành phần dinh dưỡng cân đối. Nếu bệnh nhân không ăn được những thức ăn bình thường thì phải xây dựng thực đơn đặc biệt (Modular Food) với chỉ định cụ thể về năng lượng, protein, lipid, carbohydrate, nước, muối...để đơn vị tiết chế thực hiện cho từng bệnh nhân. Những bệnh nhân tim bẩm sinh ăn dưới 60% nhu cầu, suy dinh dưỡng thì có thể cần phải nuôi qua sonde mũi dạ dày hoặc mở dạ dày qua da nếu phải nuôi lâu dài hơn 6 tháng.
Bệnh nhân bị suy hô hấp cần lưu ý vấn đề gì trong chế độ ăn?
Các bác sĩ Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn cho rằng cần đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân. Tính nhu cầu dinh dưỡng phù hợp theo lứa tuổi và bệnh lý. Đánh giá khả năng ăn uống bằng đường miệng. Chọn phương pháp nuôi ăn. Chỉ định chế độ ăn.
Nhu cầu các chất dinh dưỡng
Năng lượng = 120 - 150% nhu cầu theo lứa tuổi.
Tỉ lệ P: L: CH = 15%: 40%: 45%.
Giảm nồng độ CH để giảm CO2 là một gánh nặng cho hệ hô hấp.
Nếu bệnh nhân thở máy: tỉ lệ P: L: CH= 20%: 40%: 40%.
Chế độ ăn
Bữa ăn chia nhỏ nhiều lần: 8 - 10 lần/ngày. Các thực phẩm phù hợp theo lứa tuổi và khả năng ăn của bệnh nhân như Sữa, bột, cháo, cơm… Có thể dùng các loại thực phẩm nuôi ăn qua đường tiêu hóa đặc biệt với L: CH = 1:1 (Pulmocare). Nếu thở máy nuôi qua sonde mũi dạ dày bằng thức ăn có công thức theo nhu cầu của bệnh và lứa tuổi được khoa dinh dưỡng chế biến. Nếu bệnh nhân ăn dưới 60% nhu cầu hoặc có nguy cơ hít sặc thì cần phải nuôi qua sonde mũi dạ dày hoặc qua gastrortomy/jejunostomy.
Dinh dưỡng đối với những người suy thận cấp như thế nào?
Công việc cần làm: Đánh giá tình trạng dinh dưỡng bệnh nhân. Xác định thể tích nước tiểu. Xét nghiệm BUN, Creatinin, điện giải.
Nhu cầu các chất dinh dưỡng
Thể tích nước = Thể tích nước tiểu + 12 ml/kg (nước mất không nhận biết) + Thể tích mất bất thường (ói, tiêu chảy).
Năng lượng = 80% - 100% nhu cầu sinh lý.
Protein = 1 g/kg/ngày.
Lipid = 30 - 40% tổng năng lượng.
Hạn chế Natri, Kali và Phospho: Không cho thêm muối vào thức ăn.
Chế độ ăn
Bột Borst cải tiến, nước đường 30%. Nếu bệnh nhân không ăn được thì phải nuôi qua sonda mũi dạ dày bằng bột Borst xử lý men.
Bệnh nhân bị suy thận mãn thì cần lưu ý các vấn đề gì?
Dinh dưỡng suy thận mãn
Công việc cần làm: Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân: BMI theo tuổi. Xét nghiệm BUN, Creatinin, Albumin/máu, độ lọc cầu thận. Xác định số lượng nước tiểu. Tính nhu cầu dinh dưỡng phù hợp theo lứa tuổi và bệnh lý. Hoàn cảnh gia đình kinh tế, thực phẩm có khả năng cung cấp cho trẻ.
Nhu cầu dinh dưỡng
Hạn chế dịch với trẻ thiểu niệu.
Thể tích (V) = V nước mất ko nhận biết + V nước tiểu + V nước mất bất thường (ói, tiêu chảy).
(V dịch mất không nhận biết: trẻ sanh non 40 ml/kg/d; trẻ sơ sinh 20 – 30 ml/ kg/d, trẻ em 20 ml/kg/d).
V nước tự do trong sữa công thức 90%, trong thức ăn 70 – 85%.
Không cần giới hạn nước nếu bệnh nhân đa niệu.
Năng lượng = nhu cầu phù hợp với BMI theo lứa tuổi.
Protein: tuỳ theo giai đoạn suy thận. Một chế độ ăn hỗn hợp với ít nhất 50% đạm có giá trị sinh học cao.
Lipid đối với trẻ 1-3 tuổi: 30 - 40% năng lượng; trẻ 3 - 18 tuổi: 25-35% năng lượng. Cholesterol < 200mg.
Carbohydrate: 45-65% năng lượng, hạn chế đường đơn.
Natri: Bổ sung Na cho trẻ nhũ nhi chạy thận do mất Na, ngay cả khi trong giai đoạn vô niệu. Sữa mẹ 160mg Na/L, sữa công thức 160 – 185 mg/L. Hạn chế Na đối với trẻ tăng HA trong giai đoạn đầu STM < 2g Na/ngày (87 mmol/d) trẻ > 2 tuổi. Tương đương 1-2 mmol/kg/d.
Ca: 100-200% nhu cầu Ca theo lứa tuổi.
Bổ sung Vitamin theo nhu cầu khuyến nghị hàng ngày: 100% nhu cầu B1, B, B3, B5, B6, biotin B8, cobalamin B12, C, A, E K, acid folic, Cu, Zn. Bổ sung Vitamin nếu không cung cấp đủ 100% qua đường thực phẩm.
Hạn chế thức ăn chua: Vitamin C < 60 mg/ngày.
Chế độ ăn
Theo các bác sĩ Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn đây là một trong những chế độ ăn bệnh lý khó ăn nhất do đó mỗi bệnh nhân cần được xây dựng một chế độ ăn riêng, phù hợp với khẩu vị và kinh tế gia đình để bệnh nhân dễ dàng tuân thủ chế độ ăn lâu dài và hiệu quả. Các loại bột ít đạm như bột năng, miến dong, củ mì, khoai, mật, đường… Đạm giá trị sinh học cao (thịt, trứng, sữa). Thực đơn phải xây dựng phù hợp tập quán ăn uống (thức ăn bệnh nhân quen dùng và có sẵn tại địa phương). Nếu đường tiêu hóa không đủ cung cấp dinh dưỡng cần thiết phải nuôi tĩnh mạch hỗ trợ. Trước khi xuất viện 1 ngày, bác sĩ điều trị gửi bệnh nhân kèm xét nghiệm chức năng thận cho bác sĩ dinh dưỡng để xây dựng thực đơn cụ thể trước khi về. Khi tái khám chuyên khoa thận, bệnh nhân cần phải tái khám dinh dưỡng để được điều chỉnh chế độ ăn thích hợp.